SIẾT CHẶT VIỆC ĐĂNG KÝ NGUYỆN VỌNG VÀO LỚP 10

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh đừng vì thành tích tỷ lệ học sinh vào lớp 10 công lập mà các giáo viên tư vấn học sinh chọn những nguyện vọng khiến việc học của các em khó khăn về sau.

Học sinh chọn trường cách nhà hàng chục cây số
Ngày 3.1, tại buổi tập huấn phần mềm xét tốt nghiệp THCS và tuyển sinh lớp 10, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, chỉ ra thực tế có những thí sinh đăng ký nguyện vọng (NV) nhưng khi trúng tuyển lại không thể đi học được vì gặp trở ngại về khoảng cách từ nhà đến trường. Ông Hiếu cũng cho biết, chẳng hạn vào kỳ tuyển sinh năm 2017, theo thống kê của Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng, đến gần 500 học sinh (HS) chọn NV vào các trường THPT tại huyện Cần Giờ và Nhà Bè.

 

Các trường THCS không nên lấy tỷ lệ HS đậu lớp 10 công lập để làm tiêu chí đánh giá chất lượng mà phải yêu cầu giáo viên tư vấn cho phụ huynh, HS lựa chọn mô hình học sau THCS phù hợp với năng lực và điều kiện, hoàn cảnh gia đình một cách thực chất

TRẦN MẬU MINH (nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1)

 

Ngoài ra, ông Hiếu còn nói thêm, năm nào cũng vậy, dù trong quy định tuyển sinh đã ghi rõ thí sinh chỉ thay đổi NV duy nhất vào thời điểm Sở công bố thống kê NV ban đầu nhưng sau khi công bố điểm chuẩn và danh sách HS trúng tuyển đều có phụ huynh đến xin chuyển trường vì ghi nhầm NV.
Một phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (H.Củ Chi) từng cho biết có năm nhà trường thấy trong danh sách HS trúng tuyển có hàng chục thí sinh đến từ các trường THCS cách xa mấy chục cây số như Q.12, Q.Gò Vấp, H.Hóc Môn… Ngoài ra, còn có 60 HS khác, dù trong cùng H.Củ Chi nhưng khoảng cách từ nhà đến trường cũng hơn 10 km. “Hằng ngày, việc di chuyển sẽ rất bất tiện và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến HS làm biếng và bỏ học”, phó hiệu trưởng này cho biết.
Tương tự, ông Phạm Quang Ái, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Tăng (Q.9), cho hay mỗi năm, trong số HS trúng tuyển thì có gần 50% cư trú cách xa trường hơn 10 km. Trường ở Q.9 nhưng có HS ở quận 12, Gò Vấp… Do vậy, ông Ái nêu thực tế: “HS xin chuyển trường nhiều lắm vì chỉ chọn NV để làm sao được học trường công”.
Thế nên, có những trường, để tránh tình trạng “chảy” HS theo kiểu trên đã yêu cầu phụ huynh cam kết không chuyển trường cho con em trong quá trình học nếu không thay đổi nơi cư trú. Lãnh đạo một trường nói rằng: “Nhiều năm qua, trường luôn đóng vai trò là “bến đỗ” do điểm chuẩn thấp nên HS các khu vực xung quanh đăng ký NV vào. Sau một thời gian, có đến 30% HS xin chuyển đến những trường có điểm chuẩn cao hơn, gần nhà nhưng không chọn NV dự thi”.
Còn nguyên hiệu trưởng một trường THPT tại H.Bình Chánh có điểm chuẩn khoảng 13 điểm than thở: “Điểm đầu vào quá thấp, trong đó phần lớn HS đều ở xa trúng NV3. Đến khi nhập học thì bỏ. Số bỏ từ đầu năm không bao nhiêu nhưng số em bỏ giữa chừng rất nhiều vì không theo học nổi. Trung bình mỗi năm có 30 – 40 em bỏ giữa chừng, chưa kể nhiều em xin ra học nghề hoặc trung tâm GDTX”.

“Đừng vì bản báo cáo đẹp”
Theo hiệu trưởng các trường THPT, nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do chọn NV theo kiểu “bến đỗ”. Tức để chắc suất học trường công, nên HS chọn NV3 là trường có điểm chuẩn thật thấp, dao động quanh mức từ 15 – 20 điểm, dù cách nhà hàng chục cây số.
Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, tình trạng HS chọn NV bất hợp lý bắt đầu xuất hiện từ năm học 2014 – 2015, là thời điểm Sở GD-ĐT tổ chức tuyển sinh lớp 10 bằng hình thức thi tuyển ở tất cả 24 quận, huyện.
Để tình trạng này không xảy ra, ông Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), cho biết: “Các trường THCS không nên lấy tỷ lệ HS đậu lớp 10 công lập để làm tiêu chí đánh giá chất lượng mà phải yêu cầu giáo viên tư vấn cho phụ huynh, HS lựa chọn mô hình học sau THCS phù hợp với năng lực và điều kiện, hoàn cảnh gia đình một cách thực chất”.
Một chuyên viên Phòng Khảo thí của Sở cho rằng các phòng giáo dục phải tăng cường công tác hướng dẫn giáo viên tư vấn và hạn chế bằng cách những trường hợp HS đăng ký NV bất hợp lý về khoảng cách thì nên có cam kết của phụ huynh.
Từ năm học này, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ siết chặt việc đăng ký NV ưu tiên một cách ồ ạt tránh tình trạng bất hợp lý về khoảng cách địa lý, khó khăn trong việc di chuyển. Ông Hiếu nói: “NV tức là mong muốn được học ở một trường nào đó, dĩ nhiên không thể dùng biện pháp hành chính để hạn chế NV của thí sinh, song việc lựa chọn NV phù hợp, khả thi là điều cần làm. Đặc biệt các quận, huyện, các trường đừng vì một bản báo cáo 100% HS đậu công lập hay vì lý do gì khác mà tư vấn cho HS đăng ký những NV gây khó khăn cho việc học của các em”.
Nguồn: Bích Thanh (Báo Thanh niên)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *