Đó là lời khuyên của PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế quốc dân cho các thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Năm 2018, cả nước có trên 925.000 thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, hơn 688.600 thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ, trong khi tổng chỉ tiêu của các trường là 455.174. Như vậy, so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh thì số thí sinh dư ra là hơn 230.000. Theo phân tích của Bộ GD&ĐT, phổ điểm của một số khối thi truyền thống đều có phân phối tiệm cận gần tới phân phối chuẩn; điểm trung bình và trung vị của các khối gần như nhau.
Điểm trung bình của tổng điểm các khối thi đều lớn hơn 15. Tuy nhiên, nhiều trường top giữa và top dưới thông báo mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vào ĐH chính quy chỉ từ 13 – 14 điểm (đã bao gồm cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng), thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tối thiểu do Bộ GD&ĐT quy định năm ngoái từ 1 – 3 điểm.
Cụ thể, ĐH Lâm nghiệp có tới 31/36 ngành có mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển là 13; 5 ngành chất lượng cao còn lại điểm sàn là 15. ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội có 6/7 ngành quy định mức điểm nhận hồ sơ 14.
Các trường ngoài công lập cũng đồng loạt giảm điểm sàn xuống 13, 14 như: ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội xét tuyển từ kết quả thi THPT Quốc gia năm 2018 cho các ngành là 13 điểm (trừ ngành Điều dưỡng và Dược học lấy 16 điểm, Y khoa và Răng Hàm Mặt 18 điểm). ĐH Thành Tây chỉ có 1 ngành Dược học có điểm sàn 14, các ngành còn lại chỉ 13.
Điều đáng nói, nhiều ĐH công lập top giữa cũng thông báo mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển rất thấp. Đơn cử như ĐH Giao thông vận tải có 15 ngành lấy điểm 14 và 14,5. Trong tổng số 43 ngành đào tạo trình độ ĐH của Học viện Nông nghiệp Việt Nam có tới 28 ngành lấy điểm nhận hồ sơ xét tuyển 13. ĐH Thủy lợi, đa số các ngành có mức điểm nhận hồ sơ 14, trừ 5 ngành lấy 15 điểm.
Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế quốc dân, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH phải từ 15 trở lên, nếu thấp thì không nên dưới 12. Nếu các em điểm dưới 15 thì nên đi học nghề vì “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Các em là người thợ giỏi có tay nghề cao còn tốt hơn cố học ĐH trong khi năng lực hạn chế, ra trường cũng sẽ khó cạnh tranh trên thị trường lao động.
Điểm sàn xét tuyển phải gắn với chất lượng đào tạo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, chất lượng đào tạo phụ thuộc vào rất nhiều khâu, trong đó có chất lượng đầu vào, quá trình đào tạo, đầu ra. Dù vậy, chất lượng đầu vào vẫn là yếu tố tiên quyết để đảm bảo chất lượng đào tạo. Bộ GD&ĐT quan tâm nhiều tới chính sách chất lượng của các trường thông qua điểm sàn mà các trường đang công bố. Phần lớn các trường đều công bố mức điểm sàn phù hợp với mặt bằng năm nay. Tuy nhiên vẫn có một số trường đưa ra mức điểm sàn thấp. Bộ GD&ĐT sẽ trao đổi với các trường để đưa ra chính sách tuyển sinh phù hợp nhằm đảm bảo chất lượng. |
HÒA THANH (nguồn: baodansinh)