(Xây dựng) – “Số lượng học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký dự thi vào THPT tăng mạnh trong những năm gần đây. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập lại rất hạn chế. Vậy số học sinh không đủ điều kiện vào các trường công lập sẽ đi đâu, về đâu? Chương trình đào tạo cho cả trung cấp hoặc cao đẳng liên thông từ trung cấp cho học sinh tố nghiệp THCS (gọi chung là chương trình đào tạo 9+) được kỳ vọng sẽ mở ra một “cánh cửa” mới cho rất nhiều học sinh có cơ hội học tập và đào tạo nghề ngay từ khi còn rất trẻ”.
Bộ LĐTB&XH khuyến khích các trường nghề xây dựng chương trình, tuyển sinh và đào tạo theo chương trình 9+. Người học sau khi được nhận bằng trung cấp sẽ tiếp tục học liên thông ngay lên chương trình cao đẳng cùng ngành, nghề, những nội dung đã học không phải học lại. Trong quá trình học trung cấp, học sinh được tăng cường học văn hóa theo chương trình của Bộ GD&ĐT.
Theo ông Lê Quân – Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH thì cú “bẻ lái” sang hệ trung cấp ngay sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 9 là một lựa chọn không tồi. Thay vì mất thêm 3 năm theo học PTTH, ngay từ khi học xong lớp 9, học sinh học hệ trung cấp, cao đẳng và sẽ gia nhập thị trường lao động sớm hơn. Trong khi đó, cơ hội học lên cao đẳng và đại học vẫn còn nhiều. Thị trường lao động và các DN đang quan tâm tới tay nghề, trình độ thực tế và thái độ làm việc của người lao động, thay vì việc chỉ quan tâm tới bằng cấp như thời kỳ trước đây.
Học trung cấp là một trong những con đường ngắn và phù hợp với năng lực nhiều em để có một nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Đồng thời, các em vẫn có cơ hội học tiếp lên cao đẳng và đại học sau này.
“Tôi cho rằng, bên cạnh lựa chọn phát triển theo con đường THPT, nhiều em học sinh tốt nghiệp THCS rất có thể phù hợp với lựa chọn học hệ trung cấp và cao đẳng. Điều này dựa vào sự đánh giá trung thực về năng lực cá nhân và định hướng nghề nghiệp”, ông Lê Quân khẳng định.
Đồng quan điểm này, ông Bùi Hồng Huế – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị (CUWC) (Bộ Xây dựng) nhìn nhận, 9+ là xu hướng tất yếu của giáo dục, nhiều nước trên thế giới đã phát triển thành công mô hình này. Dưới áp lực của thị trường lao động và việc làm, nhiều người sẽ dần dần nhận ra học đại học không phải là con đường duy nhất. Đặc biệt, với sự phát triển của công nghiệp 4.0 hiện nay, học sinh tốt nghiệp THCS hoàn toàn có thể được đào tạo nghề nghiệp ở những lĩnh vực trí tuệ như công nghệ thông tin, kỹ thuật điều khiển, điện dân dụng…
Thực tế chương trình 9+ ở CUWC cho thấy, nhà trường đang triển khai và bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ, được phụ huynh và học sinh đón nhận. Nếu như năm ngoái, số lượng học sinh đăng ký theo học chương trình 9+ chỉ có chưa đầy 30 em thì năm nay, đã có gần 300 học sinh theo học chương trình này. Đáng chú ý, nhiều gia đình đã rút hồ sơ từ các trường THPT công lập về để nộp và cho con theo học tại CUWC.
” Theo ông Huế, để tạo ra được sức hút đó, nhà trường phải nỗ lực không ngừng đổi mới chương trình giảng dạy. Thay chỉ vì giảng dạy lý thuyết “suông”, nhà trường chú trọng gắn kiến thức văn hóa vào thực tế cuộc sống; đưa các kỹ năng mềm như giao tiếp, ứng xử, khiêu vũ, võ thuật, rèn luyện ý thức, nề nếp cho học sinh theo phương châm “thành nhân trước khi thành tài” mà thành công của mô hình “học kỳ quân đội” vừa được CUWC tổ chức lần đầu tiên cho các em học sinh 9+ đã nói lên điều đó”.
Thực tế cho thấy, cách nghĩ của rất nhiều phụ huynh và học sinh là tiếp tục theo học THPT sau khi tốt nghiệp THCS. Sau đó các em mới học tiếp lên trung cấp, cao đẳng hay đại học hoặc đi làm ngay sau khi tốt nghiệp THPT mà không qua đào tạo nghề. Tuy nhiên không hẳn học sinh nào cũng có thể thực hiện được mong muốn lên học cấp THPT vì điều kiện hạn chế về học lực, khả năng kinh tế của gia đình, những tác động khách quan của xã hội…
Tại nước ta, phân luồng học sinh sau THCS là chủ trương quan trọng giúp giảm lãng phí nguồn lực xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nếu các em này được định hướng tốt, theo học trung cấp ngay sau khi tốt nghiệp THCS và các trường nghề cũng đổi mới đào tạo đủ để hấp dẫn các em thì sẽ khắc phục cơ bản được tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay.
Vân Anh – Linh Anh (Báo điện tử xây dựng)