Định hướng chưa tốt
Tại hội thảo, đề cập đến tầm quan trọng của việc định hướng nghề trong giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Thành Nhân, Quyền Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên quận 1, nhìn nhận việc định hướng cho học sinh là một chủ trương đúng, rất hiện đại và nhân văn nhưng cách thực hiện chưa tốt. Một thời gian khá dài khi các cơ quan chức năng thực hiện đã kích thích người theo học bằng việc cộng điểm trong các kỳ thi cuối cấp, và hiển nhiên là gần 100% học sinh đạt kết quả như mong muốn.
Tuy nhiên ông Nhân cho rằng rõ ràng sau đó học sinh vẫn không định hình được ngành nghề mình yêu thích, chưa biết cách để thực hiện ước mơ của mình cũng như không biết mình phải bắt đầu từ đâu. Trong khi định hướng nghề không chỉ liên quan đến tâm lý hành vi mà còn liên quan đến kỹ năng xã hội, năng khiếu bẩm sinh, sự phát triển khoa học và sự tác động của chính sách.Và sau 1 năm Bộ GD-ĐT công bố quyết định bỏ điểm cộng học nghề cho học sinh lớp 9 trong các kỳ thi tuyển sinh lớp 10, ông Nhân cho hay số lượng học sinh đăng ký học nghề đã sụt giảm rõ rệt. Chính vì vậy đây cũng là trách nhiệm và cơ hội để các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên thay đổi phương pháp giảng dạy, thay đổi giáo trình. Và quan trọng nhất là dạy được kỹ năng nghề nghiệp, tình yêu nghề và định hướng nghề cho học sinh trong tương lai. Có như vậy phụ huynh mới thay đổi quan niệm truyền thống là con em phải học hết THPT, thi vào ĐH, cũng như chính học sinh quan tâm và nhận thấy việc học nghề ngay khi hoàn thành bậc THCS là con đường phù hợp với năng lực.
Có chiến lược giới thiệu việc làm
Trong hội thảo, lãnh đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên quận 1 giới thiệu những mô hình giáo dục nghề nghiệp hiệu quả và phát triển tại các quốc gia như: Đức, Nhật Bản dành cho học sinh hoàn thành lớp 9. Đó là những mô hình học sinh học lý thuyết, kiến thức cơ bản về chuyên môn trong trường, thực hành thực tế và trang bị kiến thức về lao động… tại các nhà máy, xí nghiệp.
Tham gia ý kiến tại hội thảo, phụ huynh Nguyễn Đình Phước, có con học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên quận 1, nói rằng việc giáo dục nghề nghiệp cần chú trọng đến môi trường thực hành. Hiện tại nhiều khi thấy con em, hết giờ học ở trung tâm về nhà chỉ chú tâm vào bấm điện thoại. Vì vậy cần xây dựng và tăng cường tiết thực hành để học sinh có cơ hội tiếp cận dần với nghề và có thể hiểu được những vất vả của ba mẹ đi làm kiếm tiền lo cho các cháu.
|
Còn phụ huynh của em Nguyễn Hồng Phúc, học lớp 8A1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên quận 1, cho hay đã từng biết đến những trường hợp học sinh học nghề xong mà không kiếm được việc làm. Do vậy, các trung tâm cần có chiến lược giới thiệu việc làm đầu ra cho học sinh để gia đình và người học yên tâm.
Riêng em Khưu Thị Bích Ngân, học lớp 11, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên quận 1, thẳng thắn nói: “Em thấy giới thiệu những mô hình giáo dục nghề nghiệp thành công ở các nước phát triển nhưng nếu áp dụng vào thực tế Việt Nam có phù hợp hay không và có đảm bảo thành công hay không?. Theo em, một mô hình thành công là một mô hình có chương trình giảng dạy phù hợp và đặc biệt điều học sinh chúng em quan tâm là ra trường có cơ hội việc làm ngay hay không mà thôi”.
Ngoài ra, một học sinh bày tỏ, mong cha mẹ tôn trọng việc lựa chọn nghề nghiệp và đừng bắt ép con em sống theo cách áp đặt của người lớn. Hãy để cho con sống cuộc sống của mình trên cơ sở được tôn trọng ý kiến chọn nghề.
Nguồn báo thanh niên