Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có xu hướng ưu tiên tuyển dụng ứng viên từ cao đẳng, trung cấp. Họ căn cứ kiến thức, kỹ năng, thái độ của ứng viên để chọn người phù hợp.
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, 279.001 trong số hơn 886.000 thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp. Điều đó có nghĩa hơn 74% học sinh chọn con đường vào đại học sau khi hoàn thành chương trình lớp 12.
Đây là điều dễ hiểu khi nhiều phụ huynh, học sinh, giáo viên vẫn còn tâm lý đại học là con đường duy nhất hoặc bằng phẳng nhất để tiến đến thành công.
Thực tế, từ góc độ nhà tuyển dụng, mọi chuyện có thể khác. Trao đổi với Zing.vn, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search (Tập đoàn Navigos Group), cho biết hiện nay, nhiều doanh nghiệp có xu hướng ưu tiên tuyển dụng ứng viên từ cao đẳng, trung cấp.
Mặc dù có sự chuyển biến trong việc phân luồng học sinh sau THPT, số lượng người lựa chọn vào đại học vẫn ở mức cao. Ảnh: Việt Hùng
Bà Phương Mai đánh giá bằng cấp là điều kiện cần trong tuyển dụng, nhưng không phải điều kiện đủ. Nhà tuyển dụng và ứng viên không có nhiều thời gian và cơ hội để tìm hiểu kỹ về nhau. Vì thế, họ cần những tiêu chuẩn riêng để tiết kiệm thời gian.
Lựa chọn người phù hợp
Bằng cấp là một trong những tiêu chuẩn đó. Nó cho nhà tuyển dụng biết liệu ứng viên có kiến thức nền tảng phù hợp để tiếp tục đào tạo chuyên môn, luôn sẵn sàng tiếp nhận kiến thức và nghiêm túc trong việc phát triển bản thân hay không.
Tuy nhiên, không chỉ bằng cấp mới nói lên khả năng mà quan trọng, ứng viên thể hiện mình như thế nào qua thái độ, kiến thức và kỹ năng trước nhà tuyển dụng trong quá trình phỏng vấn. Điều đó không có nghĩa người lao động phải có bằng đại học mới trúng tuyển.
“Theo nhận định của chúng tôi, cơ hội việc làm của người học cao đẳng, trung cấp chỉ khác biệt với người học đại học ở nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp”, bà Mai cho biết.
Giám đốc điều hành Navigos Search thông tin thêm hiện nay, nhiều doanh nghiệp có xu hướng ưu tiên tuyển dụng ứng viên từ cao đẳng, trung cấp, vì thời gian đào tạo nhanh chóng và chương trình đào tạo trực tiếp vào chuyên môn.
Trong khi đó, các ứng viên học đại học, ngoài kiến thức chuyên môn, sẽ có cơ hội được đào tạo thêm tại trường về những kỹ năng quản lý, nghiên cứu, phản biện và sáng tạo…, thích hợp cho nhóm công việc cần những kỹ năng này.
Bà Nguyễn Phương Mai cho biết nhiều doanh nghiệp có xu hướng ưu tiên tuyển dụng ứng viên từ cao đẳng, trung cấp, vì thời gian đào tạo nhanh chóng và chương trình đào tạo trực tiếp vào chuyên môn. Ảnh: NVCC.
Bà Mai khẳng định khi xác định và chọn lựa ứng viên phù hợp nhất với một vị trí, nhà tuyển dụng sử dụng 3 yếu tố chính – kiến thức, kỹ năng, thái độ.
Chọn người phù hợp doanh nghiệp
Cụ thể, ứng viên cần có kiến thức về công việc, ngành và công ty, được thể hiện thông qua kết quả học tập trong hồ sơ ứng viên hoặc những câu hỏi về kiến thức trong quá trình phỏng vấn.
Họ cũng cần kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm cần thiết cho công việc. Những kỹ năng về chuyên môn tích lũy từ quá trình đi làm trước đó hoặc tự học. Ví dụ, vị trí lập trình viên cần có kiến thức về các ngôn ngữ lập trình.
Kỹ năng mềm gồm khả năng giao tiếp, thuyết trình, xử lý tình huống, làm việc nhóm… và các kỹ năng cần thiết và phù hợp vị trí nhất định. Ví dụ, nhân viên bán hàng cần có khả năng giao tiếp tốt, kỹ năng xử lý tình huống.
Nhà tuyển dụng cần tìm người có kiến thức, kỹ năng, thái độ phù hợp vị trí công việc, văn hóa doanh nghiệp chứ không phải người có bằng cấp cao. Ảnh: Dave Ramsey.
“Thông qua ba yếu tố này, ứng viên phù hợp nhất với vị trí công việc và văn hóa của doanh nghiệp sẽ là người được lựa chọn”, bà Mai nói.Ngoài ra, nhà tuyển dụng xem xét thái độ của ứng viên với công việc, liệu họ có nghiêm túc với công việc hay không. Nhà tuyển dụng có thể đánh giá qua sự chuẩn bị của ứng viên trong quá trình phỏng vấn, những bài kiểm tra đánh giá năng lực và tính cách.
Nguồn: zing