Sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, đã có hàng chục nghìn thí sinh không thể bước chân vào được trường THPT công lập. Đối với số đông các bậc phụ huynh và các em học sinh trong số này, đây được xem là một áp lực không nhỏ đang đè nặng.
Các em sẽ tiếp tục con đường học hành của mình như thế nào, học ở đâu để các em có thể yên tâm và có cơ hội phát triển… đang là những câu hỏi dường như chưa có lời giải đáp thỏa đáng cho nhiều gia đình.
Học thế nào và ở đâu cho phù hợp?
Không vào được trường THPT công lập, cho các em tiếp tục học THPT dân lập đang là một một giải pháp được nhiều gia đình lựa chọn nhất; thứ đến là vào học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, nếu nhìn lại vấn đề thì dù học ở đâu và dưới hình thức nào thì mục tiêu vẫn là tốt nghiệp THPT, để rồi sau đó mới tiếp tục học lên theo những ngành nghề khác nhau. Theo ý kiến của các chuyên gia, đặc biệt đối với những học sinh có sức học chỉ ở mức trung bình trở xuống thì việc cố gắng tiếp tục theo học THPT rất có thể là một sự lãng phí về thời gian và tiền bạc.
Trong một câu chuyện nhỏ giữa các bậc phụ huynh ở Hà Nội được chia sẻ, một phụ huynh cho biết, con của mình chỉ đạt 26 điểm, thì không biết nên cho học tiếp thế nào… Hầu hết các bậc phụ huynh được nghe câu chuyện này đều cho rằng, với số điểm đó thì nên đi học nghề là phù hợp nhất, vì thế điều cần tìm hiểu ở đây chỉ còn là nên học nghề gì và học ở đâu cho phù hợp.
Theo khảo sát tại một số trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội, hiện nay các trường đang đẩy mạnh tuyển sinh sau THCS vào học trung cấp nghề chính quy. Đây có thể được xem là cơ hội mới cho các em học sinh không có điều kiện học tiếp lên THPT. Theo chương trình học này, các em vẫn được đào tạo song song chương trình văn hóa THPT và chương trình trung cấp nghề. Sau 2 năm học, học sinh sẽ có bằng trung cấp nghề, thời gian học tập được rút ngắn, các em có được lợi thế khi sớm tham gia vào thị trường lao động. |
Đan xen học nghề và việc làm
Được biết, các ngành nghề đào tạo trình độ trung cấp của các trường hiện nay khá đa dạng, phù hợp với năng lực người học cũng như cơ hội việc làm sau đào tạo là khá cao. Cụ thể như các ngành: Hướng dẫn du lịch, nấu ăn, công nghệ ô tô, kỹ thuật cơ khí, điện dân dụng, điện tử…
Theo đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các em học sinh tốt nghiệp THCS hoàn toàn có thể vào học trung cấp nghề, bởi bậc trình độ này có rất nhiều lựa chọn phù hợp. Người học chỉ mất khoảng 2 năm là có bằng trung cấp nghề và có thể đi làm, có thu nhập ngay sau tốt nghiệp, mà không cần học thêm văn hóa. Đây là con đường phù hợp với những học sinh có học lực văn hóa hạn chế, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đối với những học sinh có học lực văn hóa khá hơn, có thể vừa học nghề, vừa học chương trình THPT để có điều kiện tiếp tục học liên thông lên trình độ cao đẳng, đại học…
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết: Bộ LĐ-TB&XH chủ trương gắn GDNN với các tập đoàn kinh tế để giải quyết nguồn lực cho các khu công nghiệp, khu kinh tế. Người học nghề có thể học xong để đi làm, sau đó vẫn quay lại tiếp tục học, dần dần liên thông chương trình học cao hơn…
Như vậy, một học sinh tốt nghiệp THCS có thể học trung cấp nghề tốt nghiệp và đi làm, lương từ 6 – 8 triệu đồng/tháng. Sau đó, muốn học liên thông lên, học sinh này chỉ tiếp tục học thêm 2 – 3 năm nữa là lên đến trình độ đại học. Đây là một hướng đi hiệu quả giúp cho các học sinh rút ngắn được thời gian học tập và tiết kiệm chi phí cho bản thân và gia đình.
Tại các nước phát triển, học sinh tốt nghiệp THCS bước vào học nghề là rất phổ biến. Tại Đức, tỷ lệ học nghề sau tốt nghiệp THCS là 72%, Hà Lan 70%, Bỉ 61%, Pháp 54%… Tại Việt Nam, với những đổi mới mạnh mẽ trong GD-ĐT, kỳ vọng đến năm 2020 sẽ đạt được mục tiêu 30% học sinh sau THCS được phân luồng tham gia vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. |
Giáo dục thời đại