Từ rất nhiều năm nay, câu hỏi “học ngành nào, chọn nghề gì để dễ xin việc làm?” không chỉ là bài toán khó đối với các bạn học sinh, gia đình mà còn mang tính thời sự đối với toàn xã hội. Đặc biệt, đối với các bạn học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường nếu như không có một định hướng đúng từ nhà trường, gia đình, thì câu hỏi ấy dường như chưa thể có đáp án. Để định hướng và giải đáp vấn đề “nan giải” ấy, báo Tuổi trẻ đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với TS Đinh Phương Duy – Chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục TP.HCM.
*Là người đã nhiều năm theo suốt các chương trình tư vấn tuyển sinh của báo Tuổi Trẻ, ông có thể cho biết tâm lý chọn ngành của thí sinh những năm gần đây đã thoát khỏi tính “bầy đàn” hoặc do sự “áp đặt” của cha mẹ hay chưa?
Vài năm gần đây, tuy các bạn trẻ vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng từ cha mẹ và bạn bè nhưng tính độc lập trong việc bộc lộ các thắc mắc đã có chiều hướng rõ ràng hơn. Một số ít bạn cũng đã thẳng thắn thừa nhận có sự xung đột giữa mình với cha mẹ và nhờ các thầy cô trong ban tư vấn giúp đỡ cách thức hóa giải các xung đột đó như thế nào…
*Có những ngành nghề trước đây rất “hot” nhưng bây giờ đã “lùi vào dĩ vãng.” Thưa theo ông có nên chọn ngành theo xu hướng ngành “hot” hay không? Ngành “hot” sẽ có những ưu điểm và nhược điểm gì khi theo học và khi ra trường?
“Ngành hot” là một khái niệm khá nhiều trên các phương tiện truyền thông cũng như trong các câu hỏi, trả lời của các chuyên viên tư vấn. “Hot” có thể hiểu là tên ngành rất hay, tạo ấn tượng tích cực, có sức hút mạnh mẽ; “hot” cũng có thể hiểu là ngành ấy có thể kiếm được nhiều tiền, dễ thành công sau khi ra trường; “hot” còn có thể hiểu là lượng người chọn lựa nhiều, hay là nhu cầu nóng của một lĩnh vực nào đó mà xã hội cần…
Vì thế, việc học ngành “hot” có thể làm các bạn cảm thấy tự hào, tạm thời yên tâm trong những năm theo học hoặc tự cảm thấy giá trị của mình được nâng lên, sự tự tin có thể sẽ nhiều hơn… Tuy nhiên khi theo học ngành “hot” các bạn cũng sẽ phải đối diện với những lo lắng về khả năng thích ứng như tìm chỗ thực tập, thực hành phù hợp.
Cũng có thể, theo học sinh thì ngành đó là “hot” nhưng thực chất ngành ấy lại khó có cơ hội tìm được việc làm phù hợp khi tên ngành vẫn cứ “hot” nhưng nhu cầu về nguồn nhân lực của các cơ sở sản xuất, kinh doanh lại dần ít đi hoặc tính cạnh tranh ngày càng cao nên tìm việc có khi như… hái sao trên trời. Chọn ngành chỉ theo xu hướng ngành “hot” mà không tính đến các yếu tố khác về bản thân, gia đình và xã hội là sự lựa chọn mang tính may rủi nhiều hơn là một quyết định sáng suốt cho tương lai.
*Nhiều bạn chỉ mong muốn vào được bất kỳ trường đại học nào đó rồi “tính sau.” Nhưng thực tế hiện nay rất nhiều người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ không tìm được việc làm phù hợp, trong đó không ít người làm công nhân. Để có thể có việc làm sau khi ra trường, ta nên chọn ngành dựa trên những nguyên tắc nào?
Hiện nay có khá nhiều người có trình độ thạc sĩ, cử nhân vẫn còn đang thất nghiệp hoặc làm những việc không đúng với chuyên môn đã được đào tạo. Có nhiều lí do dẫn đến tình trạng này, trong đó có lí do là các bạn dù tốt nghiệp nhưng không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng hoặc bạn đã tốt nghiệp một ngành chưa có nhiều cơ hội việc làm hoặc số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành đó quá đông dẫn đến thừa ứ…
Nhiều bạn “hạ quyết tâm” phải vào đại học bằng được, thi lần thứ nhất không đạt thì tiếp tục thi nhiều lần sau nhưng cũng có khá nhiều bạn lại quyết tâm cách khác: học đại học nào cũng được, ngành nào cũng chấp nhận miễn là có một nơi để trở thành sinh viên đại học để “bằng bạn bằng bè.” Nhiều em trở thành sinh viên đại học bằng cách đó đến hết năm thứ nhất đã cảm thấy hối tiếc vì sự lựa chọn có tính chất “chọn đại” của mình.
Nhưng cũng có bạn đến năm thứ ba mới “ngộ” được sự sai lối nhưng đã không còn kịp để sửa sai vì tiếc nuối ba năm miệt mài với những nội dung không hề phù hợp với sở thích, nguyện vọng hay điều kiện cụ thể của mình…
Vì vậy, khi chọn ngành nghề cần lưu ý logic: chọn nghề, chọn ngành rồi chọn trường… Bạn phải hiểu bản thân mình, biết mình có thể làm nghề gì, bạn thích làm gì, bạn muốn trở thành một người như thế nào. Việc chọn nghề có thể cân nhắc một số yếu tố: điều kiện thuận lợi của mình, dự báo phát triển của nghề, khả năng tìm được việc làm, sở thích và ưu thế của bản thân có phù hợp với nghề hay không. Việc chọn ngành cũng cần tham khảo các thông tin về khả năng phát triển của ngành, cơ hội được tuyển dụng sau khi ra trường và các đặc điểm chủ quan của bản thân.
Sau cùng, với ngành đã xác định, trường nào có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn cùng với những điều kiện khác sẽ là căn cứ quan trọng để giúp bạn tự tin lựa chọn và đăng ký dự tuyển. Hãy nhớ rằng, tất cả các bằng cấp đều có giá trị pháp lý và giá trị sử dụng ngang nhau. Điều quan trọng là sau khi trúng tuyển bạn sẽ học như thế nào để có đủ kiến thức, kỹ năng và sau khi ra trường thuyết phục được các nhà tuyển dụng.
*Nhiều học sinh không biết làm thế nào để chọn ngành nào vừa phù hợp với sở thích của bản thân lại hợp với xu hướng phát triển của xã hội…Trong tình huống đó các bạn trẻ phài làm sao?
Khi lựa chọn ngành nghề, nếu vừa phù hợp với sở thích vừa hợp với xu hướng phát triển của xã hội là điều rất tốt, nhưng không phải lúc nào mình cũng gặp thuận lợi và may mắn nếu không nỗ lực và cân nhắc…Các bạn có thể tự thực hiện các bài kiểm tra, khảo sát trên báo chí để tự mình xác định sở thích của mình về nghề nghiệp, công việc, để biết mình phù hợp với loại ngành nghề nào.
Những “nhân vật” trên báo chí, truyền hình hoặc những người với nghề nghiệp cụ thể xung quanh cũng có thể giúp bạn hiểu hơn về các ngành nghề để từ đó các bạn có thể nhìn nhận rõ hơn về “hình mẫu” nghề nghiệp nào sẽ phù hợp với mong muốn và sở thích của bản thân. Các bạn có thể tham khảo các thông tin dự báo sự phát triển và nhu cầu nhân lực của các ngành nghề hoặc xu hướng tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp để tìm hiểu về khả năng và xu hướng phát triển. Trên cơ sở các thông tin về dự báo và sở thích của mình, bạn nối kết và so sánh cụ thể để có quyết định phù hợp.
*Một công việc lương cao, có cơ hội thăng tiến, phát triển bản thân là mơ ước của phần lớn sinh viên sau khi rời giảng đường ĐH. Có phải sẽ có những ngành “dễ thành công” hơn những ngành khác hay không? Có phải chọn ngành theo… truyền thống gia đình sẽ dễ đi đến thành công hơn là chọn theo đam mê hoặc theo xu hướng xã hội?
Sự thành công của mỗi người phần lớn xuất phát từ sự chuẩn bị chu đáo “để thành công” và sự nỗ lực, cầu tiến vươn lên cùng với niềm đam mê và khao khát cháy bỏng của chính mình. Sẽ không có sự thành công nào dễ dàng chỉ vì đơn giản là mình đã chọn ngành đó vì nghĩ nó… dễ thành công. Nhưng, chọn ngành có cân nhắc, có xem xét các yếu tố cần thiết để có đích đến mong muốn đã là một nỗ lực chủ quan đầu tiên để có thể dẫn đến con đường thành công. Ngành nào cũng có những giá trị nhất định, ngành nào cũng có cơ hội thành công khi chúng ta hết lòng, nỗ lực trong học tập và làm việc…
Chọn nghề, ngành theo truyền thống gia đình sẽ giúp bạn có nhiều lợi thế, trước hết về sự “di truyền xã hội” nghề nghiệp. Bạn có thể thừa hưởng các giá trị nghề nghiệp mà gia đình đã vun đắp nhiều năm qua, bạn có một kho tàng kinh nghiệm “sống động” từ hoạt động nghề nghiệp của gia đình thấm từng ngày trong con người bạn, bạn có sẵn một mối quan hệ “làm nghề” đa dạng…
Đó là những thuận lợi không phải ai cũng có được. Chọn nghề ngành theo đam mê, bạn sẽ cảm thấy thích thú, hưng phấn hơn trong quá trình thực hành nghề, các ý tưởng sáng tạo đến với bạn dễ dàng hơn và bạn sẽ ưu tiên nhanh chóng dồn công sức, năng lực của mình vào nghề nghiệp… điều này giúp bạn dễ dàng thăng hoa với công việc, bạn sẽ có cơ hội phát triển nghề nghiệp sâu sắc hơn, tinh thông hơn. Chọn ngành theo xu hướng phát triển của xã hội sẽ giúp bạn dễ dàng thích ứng với dòng chảy của cuộc đời, cơ hội việc làm có thể rộng mở hơn…
Tuy nhiên, mỗi khuynh hướng lựa chọn nghề ngành đều có những hạn chế nhất định, điều quan trọng là bạn biết cách kết nối các yếu tố đó để tìm kiếm những giao thoa tốt nhất, kết hợp nhiều ưu điểm nhất để có quyết định cuối cùng phù hợp nhất. Khi sự phù hợp đến cao nhất ở nhiều khía cạnh thì con đường dẫn đến thành công cũng gần hơn.
(Nguồn từ: http://xettuyennghe.tuoitre.vn)