Vẫn tuyển thiếu chỉ tiêu
Thời điểm này, nhiều trung tâm giáo dục thường xuyên – nghề nghiệp của Hà Nội mới tuyển sinh đạt 50% chỉ tiêu được giao, thậm chí có nơi chỉ 30% dù số học sinh tốt nghiệp lớp 9 tăng hơn 22.000 so với năm học trước.
Thông tin từ Sở GDĐT Hà Nội cho biết, đến nay khối GDTX của Hà Nội mới tuyển sinh vào lớp 10 được 6.721 học viên. So với chỉ tiêu được giao là 8.500 thì vẫn còn thiếu 1.800 em.
Trong khi số học sinh tốt nghiệp lớp 9 năm nay của Hà Nội tăng hơn 22.000 so với năm học trước thì việc các trung tâm GDTX khó tuyển sinh được lý giải là do quan niệm của nhiều gia đình cho rằng đây là các trung tâm bổ túc văn hóa, nếu học ở đây sau này con khó có cơ hội thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ.
Mức học phí của trung tâm GDNN – GDTX thu hàng tháng là 100.000 đồng/học sinh được đánh giá là thấp so với các trường THPT ngoài công lập. Tuy nhiên, nhiều gia đình có con không đỗ vào trường công lập chấp nhận nộp học phí cao hơn để cho con theo học trường ngoài công lập thay vì lựa chọn học nghề hoặc trung tâm GDTX.
Đây cũng là tình trạng chung của các trung tâm GDTX ở các địa phương khác. Tại TP HCM, năm học 2018-2019, có hơn 87.000 học sinh đăng ký thi vào lớp 10. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của 103 trường THPT công lập là 67.000. Như vậy, có tới hơn 20.000 thí sinh không trúng tuyển vào các trường phổ thông công lập.
Nguồn tuyển dồi dào như vậy nhưng các trung tâm GDTX vẫn gặp khó trong việc thu hút học viên do sự cạnh tranh của các trường ngoài công lập, nhất là ở các khu vực nội thành. Mục tiêu đến năm 2020 có 70% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào học trường phổ thông và 30% (khoảng 20.000 học sinh/năm) vào giáo dục chuyên nghiệp mà TP HCM đang đặt ra đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Giải pháp thu hút
Quan niệm hệ GDTX là hệ bổ túc văn hóa, nhiều người vẫn cho rằng chất lượng giáo dục của các trung tâm GDTX không tốt, không thể bằng các trường công lập và ngoài công lập. Thậm chí, có người cho rằng hệ giáo dục này “tập trung” các thành phần cá biệt, quậy phá, lười học…Tuy nhiên, nhìn nhận như vậy không đúng vì có không ít những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, gia đình khó khăn, phải đi làm từ khi còn ít tuổi… lựa chọn hệ này để theo học.
Số môn học của học sinh trung tâm GDTX hiện ít hơn so với trường phổ thông công lập nhưng vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức chung để tốt nghiệp.
Cụ thể, theo Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Phạm Văn Đại, tỷ lệ học viên trung tâm GDTX ở Hà Nội đỗ tốt nghiệp THPT đạt tới 96,94% trong năm học 2017-2018 vừa qua cho thấy, chất lượng đào tạo của hệ GDTX không kém các trường phổ thông khác.
Từ năm 2015, bằng tốt nghiệp THPT của loại hình GDTX được điều chỉnh giống như bằng tốt nghiệp THPT công lập, không xếp hạng hay ghi loại hình tốt nghiệp trên bằng tốt nghiệp. Do đó, khoảng cách của GDTX và giáo dục phổ thông công lập đã được kéo gần. Đề xuất giải pháp để thu hút học viên đến với các trung tâm GDTX, ông Phạm Văn Đại cho biết, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo các môn văn hóa cần tăng cường dạy nghề phổ thông, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Có thể phát triển theo hướng phối hợp với các trường cao đẳng, trung cấp dạy song song hai bằng (văn hóa, nghề) cho học sinh.
Hỗ trợ học nghề sớm
Thay vì mất thêm 3 năm theo học các trường THPT, ngay sau khi học xong lớp 9, học sinh đã có thể đăng ký theo học hệ trung cấp do các trường nghề tổ chức. Đây là một hướng đi mới rất thiết thực bởi có thể rút ngắn thời gian học tập, tiết kiệm chi phí cho gia đình và có thể liên thông lên CĐ, ĐH.
Những năm gần đây, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký dự thi vào THPT tăng mạnh. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập lại rất hạn chế. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện để cho con em theo học các trường THPT ngoài công lập với học phí vài triệu đồng, bên cạnh giải pháp lựa chọn học các trung tâm GDTX, người học có thể cân nhắc về chương trình đào tạo CĐ liên thông từ trung cấp dành cho học sinh tốt nghiệp THPT (gọi tắt là chương trình đào tạo 9+) do các trường nghề tổ chức.
Theo Bộ LĐTBXH, những học sinh đăng ký theo học hệ 9+, trong quá trình học trung cấp, vẫn được tăng cường học văn hóa theo chương trình của Bộ GDĐT. Vì vậy, khi tốt nghiệp những học sinh đăng ký theo học hệ 9+ vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức phổ thông, nếu muốn vẫn có cơ hội học tiếp lên CĐ và ĐH sau này. Đặc biệt, khi học liên thông lên chương trình CĐ cùng ngành, nghề, những nội dung đã học sẽ không phải học lại.
Thực tế thị trường lao động và các doanh nghiệp hiện nay đang quan tâm tới tay nghề, trình độ thực tế và thái độ làm việc của người lao động thay vì chỉ quan tâm tới bằng cấp như trước đây.
Về chính sách, học nghề sớm sau khi tốt nghiệp THCS sẽ được miễn phí và hỗ trợ chi phí học tập do có kinh phí hỗ trợ dưới hình thức “Miễn giảm, cấp bù học phí” theo nghị định 86/2015/NĐ-CP về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.
Còn học sinh tốt nghiệp THPT học nghề chỉ được hưởng chính sách miễn giảm học phí ở các mức 50% và 70% với các nhóm đối tượng là con em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số.
Báo cáo của 63 Sở LĐTBXH, năm 2017, tỉ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trình độ CĐ, TC có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp trung bình đạt trên 80%. Trong khi cả nước có trên 200.000 người có trình độ ĐH thất nghiệp. Nhiều người sau đó phải cất tấm bằng ĐH đi để quay lại học TC, CĐ nghề.
Tại nước ta, phân luồng học sinh sau THCS là chủ trương quan trọng giúp giảm lãng phí nguồn lực xã hội và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nếu các em này được định hướng tốt, theo học trung cấp ngay sau khi tốt nghiệp THCS và các trường nghề cũng đổi mới đào tạo đủ để hấp dẫn các em thì sẽ khắc phục cơ bản được tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay.
Lam Nhi