Học sinh đã tốt nghiệp THCS có nên chọn lọc trung cấp?

Theo các chuyên gia trong ngành Giáo dục thì học sinh cấp 2 sau khi tốt nghiệp THCS hoàn toàn có thể học tiếp chương trình nghề ở các trường Trung cấp trên cả nước nếu các bạn cảm thấy phù hợp với năng lực, đam mê và điều kiện gia đình…Nhưng về phía gia đình, các bậc phụ huynh còn nhiều lo lắng.

Thực tế, không ít gia đình dù đã xác định chọn học nghề để con em mình sớm có công việc cũng như ổn định cuộc sống nhưng vẫn lo ngại rằng học nghề ở độ tuổi vừa tốt nghiệp cấp 2 là hơi sớm. Vì thế, nhiều bậc phụ huynh vẫn muốn các bạn học hoàn tất bậc THPT trước khi xét tuyển vào các trường Trung cấp. Tuy nhiên, điều đó lại đang làm mất đi những lợi thế lớn của việc học nghề sớm mang lại.

Những lợi thế khi học sinh tốt nghiệp THCS xét tuyển luôn vào Trung cấp

Lợi ích đầu tiên không thể bỏ qua đó chính là giảm bớt được áp lực học tập dành cho các bạn học sinh. Nếu gia đình muốn các em học tiếp chương trình THPT ở trường cấp 3 công lập thì các bạn sẽ phải trải qua thêm 1 kỳ thi tuyển sinh lớp 10 với tỉ lệ chọi ngày càng cao. Còn đối với các trường cấp 3 dân lập hay quốc tế thì lại có mức học phí khá cao và chương trình học cũng tương đối nặng hơn. Trong khi đó, hệ Trung cấp vẫn có chương trình học THPT (nội dung rút gọn) để các bạn học sinh hoàn tất cấp 3.

Hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục

Một trong những yếu tố hàng đầu không thể bỏ qua đó chính là thời gian. Nếu bắt đầu luôn với chương trình học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THCS thì các bạn học sinh chỉ cần tốn thời gian tối đa 3 năm là hoàn thành chương trình nghề và có thể ra trường đi làm. Thời gian đó chỉ vừa ngang bằng với số năm học cấp 3 chính quy, như vậy đã tiết kiệm cho chính bản thân học sinh từ 1 – 2 năm. Với khoảng thời gian này, các bạn có thể ra làm nghề sớm để tích lũy kinh nghiệm, tạo lợi thế thăng tiến trong công việc hoặc có thể học tiếp chuyên sâu về lĩnh vực mà mình mong muốn theo đuổi.

Mặt khác, với việc rút ngắn thời gian học thì còn giúp cho các bậc phụ huynh tiết kiệm được khoản tài chính kha khá cho gia đình. Với 3 năm học THPT chính quy và 2 năm học nghề thì mức học phí, phí sinh hoạt, tiền sách vở… thì đây là số tiền không hề nhỏ với nhiều hộ gia đình. Trong khi đó, học xong ra làm nghề sớm thì các bạn vừa có thu nhập phụ giúp gia đình hoặc ít nhất là tự trang trải cho bản thân.

Vậy tại sao phụ huynh vẫn còn lo lắng khi con muốn học nghề sớm?

Ở hầu hết phụ huynh thì nỗi băn khoăn, lo lắng lớn nhất là các bạn trẻ ở độ tuổi 15 vẫn còn đang trong giai đoạn thay đổi về nhiều mặt. Vì vậy, sự lựa chọn nghề nghiệp lúc này sẽ không chính xác.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các chuyên gia gần đây đã chỉ ra rằng, trẻ em sau 10 tuổi đã bắt đầu hình thành những khả năng, sở thích của bản thân và bắt đầu có những “phác thảo” sơ khai về nghề nghiệp ước mơ. Do đó, chỉ cần các bạn có thêm sự trợ giúp từ thầy cô, cha mẹ, gia đình và các nhà tư vấn… thì việc lựa chọn ngành nghề đúng với khả năng, sở thích hoàn toàn trong tầm tay.

Dựa vào sở thích, năng lực học tập và định hướng đúng đắn từ cha mẹ, xã hội, các bạn trẻ có thể xác định nghề phù hợp.

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng học sinh chọn học nghề mà bỏ qua giai đoạn cấp 3 thì về sau khi muốn học chuyên sâu sẽ không đủ điều kiện hoặc không có bằng tốt nghiệp THPT thì sẽ khó xin việc về sau. Tuy nhiên, nhiều ngành nghề hiện nay lại không đặt nặng yếu tố bằng cấp (ví dụ như: Đầu bếp, Thiết kế, Pha chế…) mà chỉ quan tâm đến chất lượng tay nghề, nghiệp vụ chuyên môn của ứng viên.

Nhiều ngành nghề hiện nay như: Đầu bếp, Pha chế… không còn quá chú trọng bằng cấp mà quan tâm đến tay nghề, nghiệp vụ chuyên môn của ứng viên

Sự lo lắng, băn khoăn của các bậc cha mẹ và nhiều bạn trẻ về việc lựa chọn học nghề sớm ngay khi vừa tốt nghiệp cấp 2 là hoàn toàn có thể hiểu được. Tuy nhiên, chỉ cần phụ huynh và các bạn có những bước chuẩn bị, tìm hiểu và định hướng nghề nghiệp kỹ lưỡng, cẩn thận thì chính sự lựa chọn “học sớm” này sẽ mang lại nhiều lợi ích, yếu tố thuận lợi cho chính con em của mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *