Thay vì dành 7 năm cho chương trình THPT và Đại học, nhiều bạn trẻ tốt nghiệp THCS đã lựa chọn loại hình Đào tạo 9+ để tiết kiệm 4 năm thành xuân với tương lai rộng mở
“Cháu thấy thi vào cấp 3, Đại học nhiều bạn khi ra trường vẫn không có nghề nghiệp để làm, chính vì vậy cháu lựa chọn học nghề luôn từ bây giờ chú ạ. Cháu cũng đã tìm hiểu về mô hình “đào tạo kép” 9 + và cảm thấy cũng rất hay, chỉ sau 3 năm là cháu vừa có bằng tốt nghiệp văn hóa THPT, vừa có tay nghề giỏi.
Trong thời gian đó lại còn được học tiếng và giao tiếp hàng ngày với các thầy cô người nước ngoài, như vậy nhanh hơn 4 năm so với quá trình để tốt nghiệp THPT và Đại học rồi mới quay lại học nghề, học tiếng. Tiết kiệm rất nhiều thời gian của cháu và tiền bạc của bố mẹ, hơn thế nữa cháu lại được chủ động vì có nghề trong tay và còn được chọn làm nghề mình mà yêu thích.
Mong muốn của cháu là làm việc trong nghề chăm sóc sắc đẹp, cháu có dự định sẽ sang Canada hoặc Hàn Quốc để làm, những nước đó họ coi trọng nghề này và có thu nhập rất tốt”, cô bé Trần Thị Hồng Thắm – Trường Trung học cơ sở Lý Nam Đế, Hà Nội chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Có nhiều nghề nghiệp hiện đại, hấp dẫn mà người làm không cần phải học Đại học
Xu hướng tích hợp vừa học văn hóa vừa học nghề đang là một hướng đi mới được rất nhiều các bạn trẻ lựa chọn, với chung một suy nghĩ mang tính thực tế, hợp với sự phát triển của xã hội là có thể lựa chọn và đi theo nghề nghiệp mà mình yêu thích.
Điều này cũng hợp với thực trạng hiện nay rất nhiều sinh viên tốt nghiệp Đại học không tìm được việc làm, rất nhiều người đã quay lại học nghề, mặc dù hơi muộn nhưng vẫn hơn là thất nghiệp.
Quan điểm của phụ huynh như thế nào?
Chị Phạm Thu Hường trú tại quận Từ Liêm cho biết: “Tôi và con gái vừa rồi đã đến tham quan Trường Trung cấp công nghệ Thăng Long, tôi nghĩ đây là mô hình rất hay, các cháu không phải học quá nhiều sách vở mà được tiếp xúc nhiều với thực tế, chính những điều này khiến cho các cháu rất thích, mà đã thích thì các cháu sẽ chủ động học tập, gia đình không phải nhắc nhở.
Ngay như phần học và rèn luyện ngoại ngữ, các cháu có cơ hội tiếp xúc và nói chuyện mỗi ngày nên kĩ năng nghe nói của các cháu tiến bộ trông thấy, rất khác với những buổi học ngoại ngữ trên lớp phổ thông, phần lớn khô cứng, thiếu thực tế và thiếu không khí sôi nổi. Học ngoại ngữ mà không có tâm lý thoải mái thì khó học lắm”.
Đồng ý với quan điểm trên, anh Nguyễn Văn Hùng ở Hà Đông, Hà Nội cho biết: “ Tôi có đến trường tham quan vài buổi rồi, các thầy cô đều rất nhiệt tình, giao tiếp gần gũi, nhẹ nhàng nên các cháu cũng cảm thấy không gò bó, hứng thú tự tin trong học tập.
Tôi thấy đào tạo nghề như thế này rất hay, các cháu vẫn học văn hóa bình thường song song đó vẫn có nghề trong tay, xã hội cũng cần phải có thợ chứ ai cũng đổ xô đi nghiên cứu thì lấy ai thực hành. Như vậy cũng là một cách cân đối cung cầu theo thực tế của xã hội.
Tốt nghiệp xong mà nhà trường lại có thể bố trí hoặc giới thiệu việc làm ngay cho các cháu thì tôi thấy không còn gì bằng. Nếu các cháu cứ đơn thuần học Đại học ra vẫn còn thất nghiệp, rồi lại phải đi học nghề từ đầu thì tôi thấy vô cùng lãng phí cả kinh tế của gia đình cũng như công sức học tập không dễ dàng của các cháu.
Với mô hình học như thế này, các cháu được trang bị tay nghề và trong quá trình học lại được trải nghiệm cả ở trường cả tại các doanh nghiệp, điều đó cũng giúp các cháu tự lập hơn, tự hình thành định hướng nghề nghiệp và cuộc sống cho tương lai”.
Các bạn học sinh THCS có nhiều lựa chọn phong phú hơn cho tương lai của mình
Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Nguyễn Thị Lan trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Theo tôi nên để các cháu tự quyết định chọn học nghề hay học Đại học, các cháu cũng tương đối lớn, biết suy nghĩ và cũng cập nhật hơn nên sự lựa chọn của các cháu khá sát với thực tế. Chưa kể các cháu được làm những nghề mình thích thì sẽ dễ đạt được thành công hơn.
Là cha mẹ, tôi cũng khuyên cháu là con tự xem xét năng lực học của con đến đâu thì con cân nhắc, nếu cảm thấy không muốn học cao hơn mà thích học nghề thì con cứ mạnh dạn quyết định, bố mẹ ủng hộ hoàn toàn.
Cháu nhà tôi cũng nói: “Mẹ ạ, bây giờ mà con học xong cấp 3, xong lại học Đại học thêm 4 năm nữa thì nó cũng phí. Mà vào Đại học xong con lại không thích ngành nghề đấy thì lại phải trở lại học nghề lại từ đầu. Vậy nên mẹ cứ cho con theo học nghề mà con thích. Vì vậy năm nay cháu không thi vào lớp 10 mà chọn học chương trình văn hóa kết hợp dạy nghề”.
Cũng theo chị Lan: “Các con đã lớn, mình nên tôn trọng quyết định của con chứ không nên áp đặt con phải thế này, phải thế kia. Cháu nó cũng đã tự tìm hiểu trước rồi mới đưa tôi đến trường tham quan, cháu trình bày muốn học tiếng này, muốn học nghề kia, tôi thấy hợp lý, thuyết phục nên hoàn toàn nhất trí.
Tôi cũng nói thêm với cháu, đây là sự lựa chọn, quyết định của con và mẹ thấy xu hướng này cũng tốt, vậy con cứ chọn và tự chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của mình, đây là tương lai của con chứ không phải tương lai của bố mẹ. Mẹ chỉ định hướng còn con mới là người quyết định.
Cháu nhà tôi chọn lĩnh vực Quản trị và điều hành du lịch, cháu nó thích nghề này từ nhỏ. Ý định sau 3 năm cháu có kiến thức tốt cộng với vốn ngoại ngữ đã được học trong trường, cháu sẽ mở một Công ty du lịch”.
Giáo sư Andreas Stoffers – Giảng viên chuyên ngành Quản lý Quốc tế, tại Đại học SDI – Munich, đồng thời là Thành viên Ủy ban Kinh tế Đối ngoại, Phòng Thương mại Munich – Đức cho biết: “Một điểm sáng của hệ thống Giáo dục Đức là “đào tạo nghề kép” bên cạnh các trường Đại học. Ở nước Đức, những người trẻ tuổi có nhiều định hướng thực tiễn, không nhất thiết phải học tại một trường Đại học để tạo dựng sự nghiệp.
Giáo sư Andreas Stoffers cho rằng Việt Nam và Đức có cơ hội lớn hợp tác “đào tạo kép” 9+
Chúng tôi tập trung vào đào tạo nghề trong lĩnh vực thủ công hoặc thương mại. Vì đây là “đào tạo kép”, học viên sẽ học lý thuyết tại trường dạy nghề và thực hành tại các doanh nghiệp. Khi học xong, họ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực được học với trình độ và năng lực thực hành cao, thậm chí có thể có thu nhập cao hơn so với nhóm sinh viên tốt nghiệp Đại học.
Bản thân tôi là một người tham gia công việc quản lý 18 năm tại Deutsch Bank. Trong bộ phận của tôi, hầu hết những quản lý chi nhánh chỉ có bằng đào tạo nghề mà không có bằng Đại học. Nhưng họ làm việc rất tốt và cơ hội thăng tiến tại ngân hàng cũng không thua kém những người tốt nghiệp Đại học. Kết hợp nghiên cứu, lý thuyết, giáo dục và thực hành phù hợp: Đó là bí mật thành công của nền kinh tế Đức”.
Để hiện thực hóa chủ trương Phân luồng cho đào tạo nghề nghiệp, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và trang bị các kiến thức, kĩ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại nhà trường; Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” và Quyết định số 522/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng Phân luồng học sinh trong Giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025”.
Các đề án nhằm tạo bước đột phá về chất lượng Giáo dục hướng nghiệp trong Giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ, phù hợp cho công tác Phân luồng học sinh sau các cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.
Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở Giáo dục thực hiện đa dạng hóa hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trải nghiệm thực tế và nghiên cứu khoa học của học sinh. Đẩy mạnh triển khai thí điểm dạy học gắn với sản xuất, kinh doanh tại địa phương nhằm mục đích nâng cao chất lượng Giáo dục hướng nghiệp và định hướng Phân luồng học sinh trong Giáo dục phổ thông.
Đồng thời các đơn vị tiến hành rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng giảm tải; hướng dẫn và giao quyền chủ động cho các nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học, thực hiện chương trình Giáo dục một cách linh hoạt, góp phần nâng cao hiệu quả quá trình Phân luồng học sinh.
|
Thế Hưng
Nguồn: Báo Sức khỏe cộng đồng