Để hiểu rõ thực chất của vấn đề, Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ThS. Trần Phương – Hiệu trưởng Trường TC Việt Giao – để được nghe chia sẻ.
PV: Ông giải thích như thế nào về việc thời gian gần đây, số học sinh lớp 9 quan tâm đến học nghề sau tốt nghiệp có dấu hiệu tăng mạnh?
– ThS. Trần Phương: Tôi cho rằng cái gì đông và hiệu quả thì sẽ tạo thành trào lưu. Việc các em học sinh lớp 9 lựa chọn học nghề cũng tương tự như vậy. Số lượng người học nghề trong những năm gần đây tăng vọt, Nhà nước ra sức khuyến khích đi học nghề, các ông chủ thành đạt từ trường nghề xuất hiện khắp nơi trên báo chí, ngoài đời thực. Học sinh giờ thông minh lắm, các em biết nắm bắt, chọn lọc và xử lý thông tin, từ đó nhìn ra được những lợi ích từ việc học nghề. Cho nên việc các em bị tác động bởi trào lưu này không có gì là khó hiểu.
Theo ông, học hết lớp 9 đi học nghề có phù hợp với lứa tuổi?
Hoàn toàn phù hợp. Đợi hết THPT, tức là 18 tuổi mới bắt đầu nghĩ đến chuyện nghề nghiệp là quá trễ. Thay vì phải học THPT 3 năm cộng thêm 2 năm học TC (tổng cộng 5 năm) mới lấy được bằng thì học sinh mới tốt nghiệp THCS chỉ cần học từ 2 đến 3 năm để hoàn tất chương trình TC. Như tại Trường TC Việt Giao, học sinh sẽ được đào tạo song song hệ hoàn chỉnh văn hóa THPT và hệ TC trong khoảng 3 năm. Như vậy, sau 3 năm, cũng là 18 tuổi, các em vừa trang bị được kiến thức văn hóa vừa hình thành được tay nghề vững chắc, sẽ nhận 2 văn bằng (văn bằng tốt nghiệp TC chính quy và giấy chứng nhận hoàn chỉnh văn hóa bậc THPT). So với các em học sinh THPT thì lợi thế hơn nhiều.
Chính vì vậy, nếu với những học sinh xác định được nghề nghiệp mình yêu thích và mong muốn rút ngắn thời gian học tập một cách hợp lý nhất thì nên chuyển hướng học TC ngay từ khi mới tốt nghiệp THCS để giải quyết hiệu quả bài toán kinh tế và thời gian.
Sau 3 năm học, các em thực sự đủ khả năng để lập nghiệp, có thể nuôi sống bản thân và hỗ trợ gia đình không, thưa ông?
– Tại sao không? Cần nhìn nhận lại, tại sao nước ta hiện có hơn 72.000 cử nhân thất nghiệp thì những người tốt nghiệp TC vẫn đạt thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng, và các chủ doanh nghiệp vẫn không ngừng ưu tiên tuyển dụng sinh viên trường nghề? Chứng tỏ, sinh viên trường nghề có những thứ mà doanh nghiệp cần!
Đặc thù của trường nghề là chương trình học được thiết kế đề cao tính ứng dụng với 70% thực hành và chỉ có 30% lý thuyết được giảng dạy bằng phương pháp “thực học, thực nghiệm”. So sánh một cách dễ hiểu, khi một học sinh 16, 17 tuổi tại trường THPT đang học lý, hóa trên mô hình thì tại trường nghề các em đã tạo ra được sản phẩm máy móc, linh kiện. Khi học sinh 16, 17 tuổi tại trường THPT đang học cách đọc bản đồ địa lý thì riêng tại Trường TC Việt Giao, các em năm nhất cũng đã nắm được quy trình phục vụ tại khách sạn 5 sao, đã có thể thuyết minh trong một tour du lịch thực tế rồi. Các em trường nghề sớm trưởng thành hơn, năng động hơn, hình thành kỹ năng sống tốt hơn, vì vậy hoàn toàn có thể tự tin và thích ứng với môi trường làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Bằng chứng là các doanh nghiệp lớn đã tìm tới trường chúng tôi đặt hàng sinh viên ngay từ khi các em còn học tập, việc đảm bảo đầu ra cho hơn 95% sinh viên khi ra trường là một minh chứng rõ nét cho cơ hội nghề nghiệp của các em.
Ông có nghĩ rằng, trong bối cảnh xã hội vẫn đề cao “bằng cấp” như hiện nay, liệu các bậc phụ huynh có ủng hộ quyết định đi học nghề sau tốt nghiệp THCS của con em mình?
– Ở trường chúng tôi, tỷ lệ học sinh học hết lớp 9 đi học nghề tương đối cao, tất cả các em đều được phụ huynh đưa đến tìm hiểu và lựa chọn ngành học. Bạn cũng đã nhìn ra vấn đề, chính bản thân trường nghề có những lợi ích không thể phủ nhận, nên việc ủng hộ hay không ủng hộ nó xuất phát từ tâm lý “bằng cấp” của người lớn mà thôi. Và khi người lớn nhận ra bằng cấp cao không đồng nghĩa với việc làm ổn định, tự khắc họ sẽ chọn con đường khác hiệu quả hơn.
Sau một thời gian dài như mê ngủ trong cuộc đua thành tích, tôi thấy xã hội chúng ta đã bắt đầu thức tỉnh. Nhà nước thực hiện mọi chính sách miễn giảm từ 50-100% học phí để khuyến khích các em đi học nghề, các trường đẩy mạnh công tác phân luồng để nâng tỷ lệ học nghề lên 20-40%. Bản thân tôi cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng nhưng đến hơi muộn. Lẽ ra chúng ta phải quan tâm đến học nghề từ lâu rồi chứ không phải đợi tới bây giờ. Một nền kinh tế muốn phát triển bền vững thì phải có một đội ngũ lao động giỏi và lành nghề, chỉ tiếc rằng tư duy “bằng cấp” và “thích làm thầy hơn làm thợ” đã bám rễ quá sâu nên chúng ta mới chậm trễ trong học nghề đến vậy. Tuy nhiên, thà chậm còn hơn không!
Xin cảm ơn ông!
Để đăng ký học trung cấp chuyên nghiệp khi bạn không may trượt cấp 3, hãy liên hệ ngay với ban tư vấn hướng nghiệp: 0925.357.357 – 0979.66.88.68