TTO – Năm học 2018-2019, TP.HCM có hơn 100.000 học sinh lớp 9, trong khi tổng chỉ tiêu học sinh lớp 10 công lập của TP năm học tới dự kiến khoảng 70.000. Hơn 30.000 học sinh còn lại sẽ đi đâu?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Năm học 2018 – 2019, toàn TP có hơn 100.000 học sinh lớp 9, dự kiến các trường THPT sẽ tuyển khoảng 70.000 em vào lớp 10 công lập.
Con số này chỉ là dự kiến, theo các số liệu ban đầu, số học sinh lớp 9 năm nay có tăng hơn chút ít so với năm trước nhưng chỉ tiêu tuyển sinh không tăng”.
Trước đây điểm chuẩn vào lớp 10 ở nhiều trường THPT vùng ven, ngoại thành có năm chỉ 13 – 13,5 điểm (tổng điểm 3 môn thi: toán, văn, ngoại ngữ; trong đó văn và toán nhân hệ số 2, tính ra mỗi môn chưa tới 3 điểm). Những em đạt điểm như vậy học rất chật vật và có tâm lý chán nản, tự ti, có em theo không nổi nghỉ học giữa chừng
Ông Nguyễn Văn Hiếu
* Tại sao số học sinh tăng nhưng chỉ tiêu không tăng, thưa ông?
– TP.HCM đang tăng cường các biện pháp phân luồng học sinh sau THCS. Lộ trình từ năm 2015 đến 2020, TP phấn đấu có 30% số học sinh tốt nghiệp THCS hoặc THPT sẽ học nghề tại các trường trung cấp hoặc trung cấp nghề.
Vì vậy, TP sẽ giảm dần tỉ lệ học sinh vào học lớp 10 công lập với mục tiêu đến năm 2020 còn khoảng 60% học sinh tốt nghiệp THCS được vào học lớp 10 công lập.
Các em học sinh lớp 10 Trường THPT Gia Định trong ngày khai giảng – Ảnh: TỰ TRUNG
* Vậy nếu học sinh rớt lớp 10 công lập không muốn học nghề thì sao? Trên thực tế, nhiều phụ huynh vẫn chưa muốn hướng con em mình theo học tại hệ thống các trường trung cấp và trung cấp nghề. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
– Học sinh rớt lớp 10 công lập có thể lựa chọn một trong những con đường học tập khác như: học tiếp bậc THPT ở các trường tư thục; học hệ bổ túc văn hóa ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên với số môn ít hơn ở trường THPT nhưng bằng tốt nghiệp THPT có giá trị như nhau (các em vẫn có thể dự thi vào ĐH như học sinh THPT); học nghề ở các trường trung cấp, trung cấp nghề.
Đúng là một số phụ huynh vẫn còn dè dặt trong việc cho con em mình đi học nghề sau khi học hết lớp 9, quan niệm thích làm thầy hơn làm thợ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận xã hội. TP đang đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS nhưng chúng tôi làm từ từ chứ không nóng vội. Tính trung bình mỗi năm chỉ giảm 3% số học sinh tốt nghiệp THCS được vào lớp 10 công lập. Song song đó, Sở
GD-ĐT TP cũng yêu cầu các đơn vị trường học thực hiện công tác hướng nghiệp không chỉ cho học sinh lớp 9 mà phải hướng nghiệp cho cả phụ huynh.
Để đạt được mục tiêu phân luồng học sinh sau THCS, tôi cho rằng việc trước hết là phải nâng cao công tác tuyên truyền, vận động để học sinh, phụ huynh học sinh nói riêng, xã hội nói chung chuyển dần nhận thức từ việc học để có bằng cấp sang học để có nghề nghiệp.
* Thế nhưng, một số phụ huynh lại cho rằng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập quá thấp như hiện nay sẽ khiến kỳ thi thêm căng thẳng đối với học sinh và cả giáo viên?
– Trên thực tế, không phải 100% học sinh tốt nghiệp THCS đều đăng ký thi tuyển vào lớp 10 công lập. Những năm gần đây, nhiều học sinh đã tự chọn cho mình con đường học tập phù hợp và không đăng ký thi tuyển vào lớp 10 công lập như: học nghề, học văn hóa ở trường quốc tế, trường THPT tư thục, đi du học, học hệ giáo dục thường xuyên…
Chưa kể, trước khi xác định lộ trình phân luồng học sinh sau trung học, chúng tôi đã có một cuộc khảo sát nhỏ và nhận thấy những học sinh yếu, trung bình khi vào học tiếp văn hóa ở bậc THPT là rất vất vả. Nhiều em không theo kịp chương trình, việc học tập trở thành áp lực nặng nề.
Tôi cũng từng gặp trực tiếp một số phụ huynh khi con em họ học văn hóa rất yếu, cháu không thích và không đủ năng lực để học tiếp lên bậc THPT; trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 điểm thi của cháu rất thấp và rớt cả 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập.
Thế nhưng ba mẹ của cháu vẫn yêu cầu con mình phải tiếp tục học văn hóa. Sau một thời gian, học sinh buồn chán, bỏ học. Cuối cùng, phụ huynh mới đồng ý cho con mình đi học nghề. Và rất ngạc nhiên, khi chuyển sang học nghề thì cháu lại học rất tốt.
Sau những trường hợp như thế, tôi vẫn mong giá như các bậc làm cha làm mẹ định hướng cho con em mình ngay từ khi học hết lớp 9 thì sẽ không lãng phí thời gian và tiền bạc cho những năm mệt mỏi ở trường THPT.
Thí sinh trao đổi bài sau giờ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2018 – Ảnh: N.H.
* Theo ông, hệ thống các trường trung cấp và trung cấp nghề hiện đang có những lợi thế gì?
– Trước đây, hầu hết phụ huynh đều nhắm vào một mục đích: bằng mọi cách con em họ phải vào được lớp 10 công lập để sau này thi đậu ĐH, CĐ. Vài năm gần đây, một số người đã có cái nhìn thay đổi về hệ thống các trường trung cấp, trường ĐH, CĐ có tuyển sinh hệ trung cấp.
Trước hết, vì bản thân các trường này đang nỗ lực cải thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, phương pháp đào tạo, tạo mối liên kết với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho học viên sau khi ra trường.
Thứ hai, hình thức học trung cấp hiện đang có nhiều ưu điểm: học sinh được miễn học phí, ra trường dễ dàng tìm được việc làm và nếu muốn vẫn có thể thi liên thông để học lên bậc ĐH.
Riêng với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn thì việc chọn học tại các trường trung cấp là rất thuận lợi. Vì theo quy định, học sinh mới tốt nghiệp THCS nếu học nghề sẽ được miễn học phí 100%. Sau khi tốt nghiệp trường nghề, các em có thể đi làm ngay để có thu nhập phụ giúp gia đình; các em cũng có thể học liên thông lên bậc CĐ, ĐH sau khi đi làm.
Hiện nay, các trường nghề còn mở thêm những lớp học bổ túc văn hóa dành cho học sinh có nhu cầu. Các em có thể học song song 2 chương trình: văn hóa và giáo dục nghề nghiệp. Khi ra trường, các em vừa có bằng tốt nghiệp THPT vừa có chứng chỉ nghề.
* Dư luận đang rất quan tâm đến nội dung và cấu trúc của đề thi tuyển sinh lớp 10?
– Ông Nguyễn Văn Hiếu: Chúng tôi cũng đang nỗ lực đổi mới nội dung đề thi tuyển sinh vào lớp 10 theo hướng đánh giá năng lực của thí sinh. Đề thi ra theo hướng này được thực hiện triệt để thì học sinh không cần phải luyện thi và nếu có luyện thi cũng không hiệu quả. Đây là phương pháp quan trọng để giảm căng thẳng cho thí sinh.
Quan điểm ra đề thi tuyển sinh lớp 10 theo hướng đổi mới của Sở GD-ĐT TP là: học sinh phải hiểu bài và biết cách vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống thực tế chứ không thể học tủ, học vẹt như trước.
Tổng số học sinh lớp 9 và chỉ tiêu lớp 10 công lập của TP.HCM những năm gần đây – Nguồn: Sở GD-ĐT TP.HCM – Đồ họa: TẤN ĐẠT
Ngày 2, 3-6 thi vào lớp 10
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở TP.HCM sẽ diễn ra ngày 2 và 3-6. Thí sinh sẽ thi 3 môn: văn, toán, ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nhật, Đức). Mỗi thí sinh sẽ được đăng ký 3 nguyện vọng vào lớp 10 thường, 4 nguyện vọng vào lớp 10 chuyên và lớp 10 không chuyên trong trường chuyên, 2 nguyện vọng vào lớp 10 tích hợp.
Điểm xét tuyển vào lớp 10 là tổng điểm 3 bài thi (trong đó bài thi ngữ văn và toán hệ số 2, bài thi ngoại ngữ hệ số 1) và điểm ưu tiên (nếu có). Năm nay, thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT, TP.HCM không cộng điểm khuyến khích đối với thí sinh có chứng chỉ nghề và thí sinh được công nhận là học sinh giỏi cấp TP.
Ngày 11-3, Sở GD-ĐT TP cũng đã thông báo sẽ tuyển 1.645 học sinh vào lớp 10 chuyên tại các trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Nguyễn Thượng Hiền, Gia Định, Mạc Đĩnh Chi và Nguyễn Hữu Huân.
ThS LÊ NGUYỄN TRUNG NGUYÊN (Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng):
Cần phù hợp với học lực, ước muốn, tài chính
ThS Lê Nguyễn Trung Nguyên (Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng)
Thực tế Việt Nam cho thấy các bậc cha mẹ sẵn sàng đồng hành với con trong hành trình bước ra thế giới và hướng tới tương lai. Dù cho con theo học loại hình trường nào, cha mẹ cũng luôn cố gắng hết sức cho con có được năng lực hội nhập toàn cầu, trưởng thành toàn diện.
Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý cách chọn trường cho con. Ngoài yếu tố cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình học, chất lượng giảng dạy… cũng nên kiểm tra sự phù hợp về học lực, ước muốn, tính cách của con cũng như việc đi lại thuận tiện, tài chính và tổ chức cuộc sống gia đình phù hợp, tránh căng thẳng.
Chọn trường, xét tuyển lớp 10 luôn là sự lo lắng của phụ huynh và các em học sinh. Nhưng gia đình và học sinh luôn có nhiều sự lựa chọn, nhiều hướng đi, đó cũng là mục tiêu phân luồng của ngành giáo dục. Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng cũng chia sẻ điều này với việc đầu tư xây dựng và vận hành hơn 50 cơ sở giáo dục tại 18 tỉnh, thành phố, từ mầm non đến tiến sĩ đáp ứng gần như đầy đủ các nhu cầu học tập.
Riêng đối với hệ thống trường liên cấp (từ lớp 1 – 12), có đủ các phân khúc, bao gồm: hệ chất lượng cao hội nhập quốc tế, hệ song ngữ quốc tế và hệ quốc tế hoàn toàn. Tương ứng với các phân khúc này là: hệ thống Trường hội nhập quốc tế iSchool; hệ thống Trường song ngữ quốc tế UK Academy (UKA) và Trường quốc tế Bắc Mỹ (SNA).
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ