Chị Võ Thị Thu Giang (sinh năm 1983, Q.Gò Vấp, TP.HCM) hiện là trưởng phòng kinh doanh một công ty du lịch tại Q.3 kể: sau khi tốt nghiệp THPT chị đăng ký thi ngành Ngoại ngữ của một trường ĐH lớn ở TP.HCM. Tuy nhiên, do không đậu nên chị đăng ký học nghề du lịch tại một trường trung cấp nghề Việt Giao ở Q.10 và có việc làm ổn định sau khi ra trường, thăng tiến nhờ chính nghề du lịch. Chị Giang chia sẻ tiếp: “Khi chọn nghề này gia đình không đồng ý với nhiều lý do khác nhau và bảo tôi phải cố gắng thi ĐH lại. Tôi cương quyết không thi lại, khi vào học thấy rất thích và yêu nghề này”. Chị Giang cho biết công việc bây giờ của mình là vừa kinh doanh tour, vừa điều hành nên bận rộn cả ngày. Chị Giang khuyên: “Nếu các bạn đam mê nghề nào nhưng không đủ khả năng để vào ĐH thì mạnh dạn chọn học trường nghề, sau đó đi làm rồi học lên cao hơn”.
Năm 2004, Nguyễn Tấn Chính (sinh 1984, TP.HCM) trúng tuyển vào Trường ĐH TDTT TP.HCM nhưng anh từ chối học ĐH mà đăng ký học nghề quản trị khách sạn, nhà hàng của Trường trung cấp nghề Việt Giao. Sau hơn bảy năm từ khi ra trường, giờ đây anh là tổng quản lý của một nhà hàng và bar tại Q.3 (TP.HCM) với mức thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng.
Theo ông Trần Phương – Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Việt Giao – những ngành nghề thuộc nhóm Du lịch – Khách sạn – Giải trí tuy không trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất nhưng tại Việt Nam chiếm tỉ trọng khoảng 35% GDP. Vì thế đây là những nghề tạo sức hấp dẫn lớn về thu nhập và nguồn nhân lực trong tương lai.