Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 16 quý IV năm 2017, cả nước có hơn 215 nghìn người có trình độ “đại học trở lên” thất nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Lao động xã hội cho biết, nhóm người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất và có xu hướng tăng.
Tính riêng quý III năm 2017, cả nước có 1.074,8 nghìn lao động trong độ tuổi thất nghiệp, trong đó số người thất nghiệp có trình độ “đại học trở lên” là 237 nghìn người, chiếm 4,51%; nhóm trình độ cao đẳng có 84,8 nghìn người thất nghiệp chiếm 4,88%; tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm có trình độ trung cấp là 3,77%.
Không ít cử nhân ra trường do không kiếm được việc làm như ý đã chọn cách học lên cao hơn với hi vọng nâng cao mức lương và cơ hội việc làm. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không như mong muốn.
Thạc sĩ thất nghiệp…
Chị Nguyễn Thị Thanh Hương (quê Tuy Hòa, Phú Yên) nguyên là sinh viên khoa Sử Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Sớm nuôi nguyện vọng ra trường sẽ về quê làm việc nên ngay khi vừa học xong chị Hương đã liên hệ một số đơn vị ở địa phương mong muốn xin được một chân vào làm. Thế nhưng, các đơn vị này đều lần lượt trả lời rằng vị trí chị ứng tuyển đòi hỏi phải có bằng thạc sĩ. Nghe vậy, chị Hương đã quay lại TP.HCM tiếp tục miệt mài 2 năm đèn sách để học cao học. Tuy nhiên sau khi có bằng thạc sĩ trong tay, quay trở về địa phương liên hệ với các đơn vị trên thì chị Hương nhận được câu trả lời rằng “hiện chưa có chỉ tiêu”. Hiện tại, chị Hương đang làm nhân viên tư vấn tuyển sinh cho một trường trung cấp tại Tp.HCM.
Khác với trường hợp của chị Hương, ngay từ khi học lớp 11, anh Nguyễn Xuân Huy (quê Xuân Lộc, Đồng Nai) được gia đình định hướng theo học ngành quản trị kinh doanh vì nghĩ sẽ dễ xin việc làm. Trên thực tế, sau khi ra trường, anh Huy làm nhân viên kinh doanh cho một công ty thiết kế web với mức lương không như mong muốn. Chán nản, anh Huy tiếp tục học lên cao học với hi vọng sau này sẽ xin được vào giảng dạy ở một trường nào đó.
…Và câu chuyện “thừa thầy thiếu thợ”
Theo ông Đào Quang Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) nhận định nguyên nhân thất nghiệp đến từ nhiều phía. Thứ nhất, do định hướng của gia đình; Thứ hai là tư vấn giới thiệu việc làm và hướng nghiệp cho các em học sinh trong nhà trường chưa được tốt, chất lượng đào tạo tại các trường, cơ sở giáo dục đào tạo và sự kết nối cung cầu thị trường lao động cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, các nhà tuyển dụng ngần ngại sử dụng bằng cấp cao vì liên quan đến hệ số lương thưởng. Bên cạnh đó, nhiều thạc sĩ mới ra trường chưa có kinh nghiệm làm việc nhưng lại đòi hỏi mức lương cao. Thực trạng này khiến nhiều cử nhân, thạc sĩ ra trường gặp khó khăn khi xin việc.
Theo ông Trần Phát – Phó Tổng giám đốc Công ty Truyền thông giải trí và Du lịch Việt Nam thì có một thực tế là tại Việt Nam, nhiều người đua nhau học lên cao đẳng, đại học, thậm chí là cao học đơn giản vì tấm bằng có giá mà không biết mình học để làm gì.
“Chúng tôi đánh giá cao những người học nghề. Họ biết mình là ai, mình muốn làm gì và mình phải làm như thế nào. Nhiều người đến xin việc mà không hiểu rằng chúng tôi sẵn sàng trả lương cao cho một người biết làm việc chứ không cần những tấm bằng chỉ biết nói”, ông Phát cho biết.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập trong nền giáo dục hiện nay là tâm lý sính bằng cấp hiện diện rất nặng nề trong xã hội, kể cả ở cấp quản lý nhà nước. Cơ cấu hệ thống giáo dục của Việt Nam vốn được xác định ở thế “kiềng 3 chân” khá hài hòa gồm: Phổ thông, Đại học và Dạy nghề. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, do tâm lý sính bằng cấp nên nhánh Dạy nghề gần như bị “bỏ quên”, dẫn đến thực trạng “thừa thầy thiếu thợ”, lãng phí tiền của trong đào tạo, khiến cho “thế chân kiềng” này chỉ còn… hai chân, chênh vênh không bền vững.
Thạc sĩ Trần Phương – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao nêu ý kiến: “Mặc dù không phủ nhận hoàn toàn những lợi ích mang lại từ môi trường giáo dục đại học, sau đại học, nhưng chắc chắn đó không phải là con đường phù hợp cho tất cả. Thay vì cố sức vào cuộc chạy đua để học lên cao, các bạn trẻ nên xác định rõ đam mê, sở thích và chọn trường vừa sức, phù hợp khả năng, có điều kiện đào tạo tốt chuyên ngành mình lựa chọn”.
Thạc sĩ thất nghiệp đang là một vấn đề đáng lo ngại cho nền giáo dục hiện nay. Người học có quyền học tiếp lên cao và người tuyển dụng cũng có quyền tuyển dụng những ứng viên phù hợp. Vậy nên, cần xác định được điểm chung giữa hai nhóm đối tượng này thì bài toán thạc sĩ thất nghiệp mới được giải quyết một cách triệt để.
Vòng luẩn quẩn thất nghiệp học cao học – học cao học xong lại thất nghiệp dường như sẽ không có hồi kết nếu người học định hướng nghề nghiệp không rõ ràng.