THÀNH CÔNG KHÔNG TỪ BẰNG CẤP

Nhiều sinh viên bỏ ngang việc học, nhiều cử nhân ra trường thất nghiệp hoặc làm việc trái chuyên môn…một phần do chọn ngành học, bậc học không phù hợp. Nhân việc mới đây trên mạng xã hội lan truyền thông tin một cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đốt bằng đại học, PV đã có cuộc trao đổi với ThS.Trần Phương – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao xoay quanh vấn đề này.

PV: Thưa Th.S, mới đây trên mạng xã hội lan truyền thông tin và hình ảnh một cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đốt bằng đại học. Xin ông có biết ý kiến của mình về việc này?

Th.S Trần Phương: Tôi không ủng hộ việc làm này dù bất cứ điều gì cũng không bao giờ làm những hành động nông nổi như vậy. Dù không sử dụng đến bằng và dù làm công việc khác thì cũng nên xem tuổi thanh xuân, thời sinh viên của mình là một kỷ niệm đẹp đẽ, ngay cả tấm bằng cũng cũng vậy. Thật đáng tiếc. Tôi nghĩ không chỉ bạn đã thấy mình nông nổi mà sẽ còn nghĩ về nó đến hết đời trong niềm ân hận khôn nguôi.

ThS.Trần Phương – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao

PV: Một số nguồn tin cho biết, nam thanh niên đốt bằng vì cho rằng tấm bằng đại học là sự phụ thuộc của bản thân nên anh đốt để “vĩnh viễn không phụ thuộc vào khuôn khổ gia đình”. Ông nghĩ sao về điều này?

Th.S Trần Phương: Tự tay đốt bỏ tấm bằng đại học, mặc dù chỉ là một mảnh giấy nhưng nó chứa đựng biết bao nhiêu nỗ lực, cố gắng, mồ hôi nước mắt và cả hy vọng của chủ nhân cũng như gia đình, bè bạn. Hành động đốt bỏ bằng cử nhân, một mặt là sự phản kháng tâm lý đối với nền giáo dục đại học còn quá nhiều bất cập, không trang bị cho sinh viên những kiến thức kĩ năng cần thiết để bước vào cuộc sống và công việc, mặt khác chính là tiếng kêu bất công, bất lực trước thực trạng cơ hội việc làm đã không chia đều cho tất cả mọi người. Mặt khác nó còn soi chiếu hiện tượng các em chọn trường này, trường kia tức là nghề này nghề kia không được định hướng đúng thời điểm, bởi các em đều không được hướng nghiệp một cách đúng đắn từ trước nên khó phát huy được hết tiềm năng của mình. Học những thứ mình không yêu thích, đam mê, học chiếu lệ, học chỉ để thi cho qua, lấy cái bằng, hoặc để chiều lòng cha mẹ…

PV: Đánh giá của ông về thực trạng hiện nay cử nhân ra trường thất nghiệp hoặc làm việc trái chuyên môn, thưa ông?

Th.S Trần Phương: Thực trạng hiện nay cử nhân ra trường thất nghiệp hoặc làm việc trái chuyên môn một phần đã cho thấy trình độ và kỹ năng của họ không đáp ứng được yêu cầu xã hội nên rất khó tìm việc. Vì vậy, các trường ĐH cần có sự thay đổi trong cách thức giảng dạy. Mặt khác hiện nay các nhà tuyển dụng ngoài đòi hỏi về chuyên môn, tay nghề còn muốn tìm kiếm những ứng viên có trình độ về ngoại ngữ và có một số các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình… Không chỉ vậy, nhà tuyển dụng còn “chọn mặt gửi vàng” những bạn hội tụ các tố chất như luôn biết cố gắng, phấn đấu và nhiệt huyết với nghề, ham học hỏi, chịu được áp lực cao của công việc, có tinh thần trách nhiệm cao…

Tại Việt Giao, ngoài việc xây dựng chương trình học theo chuẩn quốc tế được kiểm chứng bởi chính các đối tác của trường chúng tôi còn trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết nhất giúp các em nhanh chóng hòa nhập với môi trường làm việc ngoài xã hội. Cam kết của nhà trường là đào tạo những ngành nghề, nghiệp vụ chuyên nghiệp tiên tiến nhất và một nền tảng lý luận sâu sắc để người học có thể tiến xa hơn, sáng tạo hơn, đủ sức cạnh tranh và không bao giờ bị đào thải.

PV: Hiện nay, xã hội còn nặng tâm lý coi trọng bằng cấp. Vậy theo ông, đâu là giải pháp cho vấn đề này?

ThS.Trần Phương: Một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập trong nền giáo dục hiện nay là tâm lý sính bằng cấp hiện diện rất nặng nề trong xã hội, kể cả ở cấp quản lý nhà nước. Cơ cấu hệ thống giáo dục của Việt Nam vốn được xác định ở thế “kiềng 3 chân” khá hài hòa gồm: Phổ thông, Đại học và Dạy nghề. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, do tâm lý sính bằng cấp ngày càng nặng nề nên nhánh Dạy nghề gần như bị “bỏ quên”, dẫn đến thực trạng “thừa thầy thiếu thợ”, lãng phí tiền của trong đào tạo, khiến cho “thế chân kiềng” này chỉ còn… hai chân, chênh vênh không  bền vững.

Theo tôi, mặc dù không phủ nhận hoàn toàn những lợi ích mang lại từ môi trường giáo dục đại học, nhưng chắc chắn đó không phải là con đường phù hợp cho tất cả. Thay vì cố sức vào cuộc chạy đua “đại học”, các bạn trẻ nên xác định rõ đam mê, sở thích và chọn trường vừa sức, phù hợp khả năng, có điều kiện đào tạo tốt chuyên ngành mình lựa chọn.

Xin cảm ơn ông!

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

.
.
.
.