TÔI ĐÃ SÁNG SUỐT CÙNG CON RẼ CHỌN TRƯỜNG NGHỀ

Một buổi tối, đứng chờ bạn bè ở sảnh một tiệc cưới trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận (TP.HCM), anh bạn thời ĐH hỏi vợ chồng tôi:“Con anh 17 tuổi à? Nay vào lớp 12, cháu học ở trường nào?”. Chồng tôi đáp: “Cháu chuẩn bị vào năm ba trung cấp nghề”. Anh bật thốt: “Ủa, sao lớp 12 không học mà học nghề?”.

Sinh viên học ngành Bếp tại Trường Trung cấp Việt Giao.

Nhiều người thân, người quen của chúng tôi cũng từng trố mắt: “Trời, sao phải học nghề, uổng vậy?”. Chúng tôi mỉm cười: “Dạ, tại vì cháu thích”.

Chỉ vì con tôi thích. Chúng tôi đã chiều theo con. Năm lớp 8, cháu tuyên bố sang năm sẽ không thi lớp 10. Nghĩ con trai nhất thời hồ đồ, tôi quên luôn chuyện này cho đến giữa năm lớp 9, cu cậu lần nữa nói chắc: “Năm nay con không thi vô lớp 10 nha ba mẹ!”. Tuyên bố lần này không chỉ làm vợ chồng tôi giật mình mà bà ngoại, dì, ông nội, bà nội, các cô cậu của con cũng hoảng.

Dù tỏ vẻ khá bình tĩnh trước con trai và còn có vẻ hùa theo ý định của con nhưng thú thật cả hai vợ chồng tôi đều dao động, đặc biệt là khi được giáo viên chủ nhiệm lớp mời lên để trao đổi về lựa chọn cá biệt của cu cậu. Cả lớp 45 học sinh và cả khối gần 300 cháu chẳng cháu nào rời nguyện vọng vô lớp 10 công lập. Con tôi thì nằng nặc học nghề mà phải nghề Bếp – học chế biến món ăn. Có phải chúng tôi dạy con sai rồi không khi không yêu cầu con phải giỏi toàn diện mà chỉ cần đào sâu, xới kỹ kiến thức, kỹ năng mình thích?

Áp lực từ nhiều phía, có cả của ông bà nội, ngoại cùng các cô, cậu hai bên, cuối cùng con trai tôi cũng chịu vào phòng thi lớp 10. Kết quả là điểm thi “oanh liệt” vượt xa điểm chuẩn của ngôi trường THPT công lập mà cả gia đình đều chọn. Ngày có kết quả, cu cậu lại tuyên bố: “Con thi xong rồi, ba… học lớp 10 đi, con đi học nghề”.

Tôi cắn răng, bấm bụng đưa con nhập học trường nghề. Chỉ sau một tháng, tôi vỡ ra con tôi… quá khôn khi quyết định chọn con đường mới. Từ một cậu bé mặt mày nhàu nhĩ với đống đề văn, sử, địa, giáo dục công dân… ôm nhai trệu trạo, thuộc đó, quên đó, con trai tôi hớn hở bước vào năm học đầu tiên với những môn nghề: Anh văn giao tiếp, tin học căn bản, kỹ năng giao tiếp, giáo dục thể chất, cùng các môn văn hóa như toán, lý, hóa, văn, sử, địa được giảm tải 50%. Buổi văn hóa, buổi học nghề đan xen những giờ tự học…

Vừa học con vừa được nhà trường cho tham gia các hội thảo chuyên đề môn học hằng tháng. Đến giữa kỳ 1 năm nhất, con tự xin tôi cho học thêm tiếng Nhật và âm nhạc. Cu cậu tâm sự: “Học để tìm cơ hội làm việc ở nước ngoài đó mẹ. Nghề này ở Nhật làm được lắm. Còn học nhạc là để coi mình có khả năng sáng tác không, biết đâu được sau này vừa sáng tạo trang trí món ăn, con tự làm ra nhạc của mình luôn”.

Thoắt đó gần ba năm trôi qua. Trước mùa hè này, cháu thực tập nghề Bếp tại một khách sạn 5 sao tại quận 1, TP.Hồ Chí Minh. Đó là những ngày con tôi tràn vẻ tự tin, hào hứng khi sắp chuẩn bị tốt nghiệp và có một nghề thành thạo so với các bạn đồng tuổi khác. Bây giờ con đang hưởng nốt những ngày hè đi thực tập. Nhưng trong tâm trí dần trưởng thành, con tôi đã biết vạch cho mình con đường với nhiều lựa chọn hơn hai nhánh rẽ hồi năm thứ nhất. Kế hoạch của cu cậu, một là tìm cơ hội xuất khẩu lao động tại Nhật hoặc xin làm việc tại các hãng tàu du lịch 5 sao; hai là học liên thông ĐH chỉ có hai năm rưỡi; ba là ra trường, xin mặt tiền nhà cha mẹ để mở tiệm Bánh.

Cu cậu còn phân tích với chúng tôi: “Trường hợp con có trúng tuyển nghĩa vụ cũng tốt, vì cơ hội học ĐH miễn phí của người có trình độ trung cấp chính quy, Anh văn lưu loát khi trúng tuyển nghĩa vụ rất cao. Vô lính còn được rèn luyện, tuyệt!”.

Nói về tương lai, cu cậu như chắc lắm, còn không quên động viên lại vợ chồng tôi: “Ba mẹ yên tâm đi, có làm gì thì con cũng nuôi ba mẹ thôi”.

Tôi hiểu và vui vì việc vợ chồng tôi “vượt lên chính mình”, chấp nhận giấc mơ của con, để con tự đi trên con đường do con chọn lựa đến thời điểm này đã không sai!

(Sưu tầm)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

.
.
.
.