Chọn trường, chọn ngành sao cho phù hợp?

Việc chọn trường, chọn ngành luôn là vấn đề được các học sinh cuối cấp quan tâm, bởi mỗi quyết định sẽ tác động đến tương lai của các bạn sau này.

Theo số liệu thống kê mới nhất, năm 2017, có khoảng 200.000 cử nhân thất nghiệp hoặc làm việc trái chuyên ngành được đào tạo. Con số này phần nào phản ánh thực trạng việc chọn trường, chọn ngành không phù hợp của các bạn trẻ hiện nay.

Tìm khoảng giao giữa đam mê và khả năng

Theo ThS.Phạm Thái Sơn – Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ Doanh nghiệp trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM thì để chọn đúng trường, đúng ngành, các thí sinh cần xác định rõ đam mê của mình là gì, từ đó xây dựng định hướng, kế hoạch rõ ràng cho thời gian kế tiếp.

“Đầu tiên, thí sinh hãy ghi lại tất cả những gì bản thân mình thích như: Em thích học môn nào? Cho em làm một việc tùy thích, việc đầu tiên em nghĩ đến là làm gì? Vì sao nó thu hút em? Em hãy liệt kê ra những hoạt động khiến mình cảm thấy thích thú trong năm vừa rồi”, ThS.Phạm Thái Sơn đưa ra lời khuyên.

Học tập với đam mê của bản thân

Trên thực tế, có không ít bạn trẻ hiện nay đã bỏ ngang việc học khi còn đang là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường. Do áp lực việc học, do nhận ra việc lựa chọn sai ngành học, nhiều bạn trẻ tỏ ra mệt mỏi vì mất định hướng học tập. Mới đây nhất là tình trạng hàng ngàn sinh viên đại học bị đuổi vì thành tích kém.

Do đó, ngoài việc xác định đam mê, thí sinh cần xét đến khả năng của bản thân trong việc thực hiện đam mê. Khi tìm ra khoảng giao giữa hai yếu tố này, các bạn sẽ có cái nhìn đầu tiên về ngành nghề mình nên theo đuổi.

Tìm hiểu xu hướng ngành nghề

Để tiếp cận với cơ hội việc làm sau khi ra trường và trụ vững với nghề, các bạn trẻ nên tìm hiểu về xu hướng ngành nghề mà mình lựa chọn. Trong bối cảnh xã hội không ngừng phát triển thì xu thế ngành nghề trong tương lai cũng sẽ thay đổi.

Một ví dụ điển hình như ngành kế toán. Đây được xem là một trong những ngành “hot”của xã hội. Thế nhưng, trên thực tế ngành này đang phải đối mặt với bài toán khủng hoảng thừa nhân lực.

Các công việc như dệt may, lắp ráp điện tử, văn phòng…dự báo sẽ bị ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời gian tới.

Thông qua các chuyên gia tư vấn, website dự báo nguồn nhân lực, kinh nghiệm chi sẻ từ thầy cô, gia đình, các bạn trẻ có thể có cái nhìn khái quát hơn về nhu cầu nhân lực, xu thế ngành nghề trong tương lai.

Cô Võ Thị Kim Thoa – Giáo viên Trường Trung cấp Việt Giao cho rằng: “Điều đầu tiên, các bạn hãy chọn theo sở thích, sau đó xét đến khả năng của bản thân và nhu cầu xã hội. Nếu ngay từ khi học THCS mà các bạn xác định lực học của mình không thể thi vào lớp 10 hoặc tiếp tục học cao hơn nữa thì hãy chọn cho mình một nghề phù hợp để theo đuổi, bằng cách học tại cơ sở dạy nghề hoặc các trường trung cấp nghề. Sau khi tốt nghiệp, các bạn đã có chắc một nghề trong tay để đi làm hoặc nếu muốn vẫn có thể học liên thông lên cao đẳng, đại học”.

Theo khảo sát, các ngành du lịch, nhà hàng khách sạn, công nghệ thông tin, ngoại ngữ…là top những ngành có nhu cầu nhân lực nhiều nhất ở Việt Nam trong tương lai. Trong đó, phải kể đến nhóm ngành du lịch – khách sạn – ẩm thực.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM dự báo nhu cầu nhân lực ngành này tại TP. HCM giai đoạn 2016 – 2020 đến năm 2025 với tỉ lệ ngành nghề so với tổng số việc làm là 8%; số chỗ làm việc là 21.600 người/năm. Nhóm ngành này sẽ giúp người lao động có nhiều cơ hội cọ xát, gặp gỡ với nhiều người đến từ khắp nơi trên thế giới. Đây được xem là một lựa chọn thông minh cho những bạn trẻ năng động, sáng tạo, thích học hỏi và khám phá.

Sau khi tìm được ngành nghề mình yêu thích và nắm được xu hướng ngành nghề, việc tiếp theo các thí sinh cần làm là tìm hiểu về trường đào tạo ngành học này: điều kiện học, học phí, môi trường học tập phù hợp với khả năng bản thân và hoàn cảnh gia đình. Từ đó, các bạn sẽ có cho mình một hướng đi phù hợp với bản thân trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Hồng Nhung – VG

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

.
.
.
.